Free writing - Để việc viết lách trở thành một niềm vui thực sự
Free writing là gì?
Free writing là kĩ thuật viết liên tục trong một khoảng thời gian ngắn mà không cần quan tâm tới chính tả hay ngữ pháp của câu văn.
Dorothea Brande là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về Free writing. Trong cuốn sách “Trở thành một nhà văn” (1934), bà khuyên những độc giả của mình nên ngồi và viết khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng bằng tốc độ nhanh nhất có thể.
Peter Elbow cũng nói về Free writing trong cuốn “Viết mà không cần thầy giáo” (1975). Kĩ thuật này được biết đến rộng rãi sau khi Julia Cameron xuất bản cuốn sách “Con đường của những người nghệ sĩ” (1992).
Free writing mang lại những lợi ích gì?
Thứ nhất, khi thả những nét bút tự do phóng khoáng trên trang giấy, bạn sẽ tạo nên được các ý tưởng đầy cảm hứng và sáng tạo. Điều đó giúp chúng ta cảm thấy thích thú hơn trong việc viết lách của mình.
Thứ hai, Free writing giúp bạn vượt qua ‘giọng nói chỉ trích bên trong’, luôn cho rằng ‘mình không thể viết’. Free writing làm khơi gợi tố chất ‘nhà văn’ bên trong bạn.
Thứ ba, Free writing giúp giải phóng căng thẳng và áp lực, giảm stress. Có thể tưởng tượng trang giấy như một người bạn thân thiết và viết hết ra mọi thứ để giải tỏa.
Thứ tư, Free writing giúp khám phá ra con người bên trong bạn, nhận biết được điều mình thực sự mong muốn.
Thứ năm, Free writing làm cải thiện khả năng viết lách và khai phá nguồn mạch ngôn ngữ bên trong.
Và cuối cùng, Free writing là một công việc rất thú vị! Nó mang đến niềm vui bất tận cho bạn khi viết lách về bất cứ chủ đề gì!
Làm sao để sử dụng Free writing?
Free writing thường được một số nhà văn sử dụng như bài tập hàng ngày để tăng cường khả năng viết lách của mình. Trong một số khóa học dạy viết ở nước ngoài, các giảng viên cũng yêu cầu sinh viên của họ làm bài tập này.
Sau đây là một số qui tắc cơ bản của Free writing:
Đặt một giới hạn về thời gian (trong vòng khoảng 20 🡪 30 phút).
Viết liên tục. Không dừng lại.
Nếu lạc đề hoặc hết ý tưởng, bạn cứ tiếp tục viết. Thể hiện lên trang giấy bất kì thứ gì xuất hiện trong đầu.
Khi việc viết lách có xu hướng nhàm chán hoặc không thoải mái, tự hỏi bản thân xem điều gì đã khiến mình phiền lòng như vậy.
Đặt các câu hỏi và thực hành phát tán tư duy trong khi viết.
Khi hết thời gian, xem lại những gì bạn đã viết, chỉnh sửa, bổ sung các ý còn thiếu. Xem lại cấu trúc bài viết.
Nghỉ ngơi, bỏ qua hoàn toàn bài viết của mình từ 6 🡪 24 giờ.
Chỉnh sửa, hoàn thiện.
Nhờ bạn bè đọc và góp ý.
Cần lưu ý những gì khi sử dụng Free Writing?
Khi sử dụng Free writing, chúng ta bị trượt qua nhiều suy nghĩ khác nhau, nhưng điều đó lại làm cho tâm trí trở nên rộng mở và tràn đầy ý tưởng hơn.
Bạn có thể tham khảo qui trình sau cho việc viết theo chủ đề:
Xác định chủ đề cần viết.
Tìm kiếm thông tin, tư liệu.
Quan sát, lắng nghe tiếng nói bên trong.
Phát tán ý tưởng (dùng ‘brain storming’ và ‘từ khóa tư duy’).
Liên kết các ý tưởng.
Viết liên tục. Bỏ qua các yếu tố về chính tả, ngữ pháp hay tính đúng sai của câu văn.
Chỉnh sửa, bổ sung, sắp xếp, hệ thống hóa lại các ý.
Bỏ qua bài viết trong một khoảng thời gian.
Chỉnh sửa, chia sẻ với bạn bè.
Sau một giai đoạn luyện tập bạn sẽ thực hiện được các bước 3, 4, 5 một cách trôi chảy và thoải mái. Việc cảm nhận và sử dụng nhiều giác quan cũng giúp cho quá trình Free writing trở nên hiệu quả hơn.
Quy tắc quan trọng nhất của Free writing là ‘đừng dừng lại để sửa chữa’.
Theo Peter Elbow: ”Việc học văn trên lớp đã khiến chúng ta bị ám ảnh bởi việc phải viết đúng ngay từ đầu. Bạn có thể ngồi suốt 2 giờ đồng hồ, để cố gắng viết một bài văn đúng, và sau đó phát hiện ra chẳng có gì là đúng cả. Bạn trở nên chán nản và muốn bỏ cuộc.”
Trong tác phẩm “Viết mà không cần thầy giáo”, ông còn nói thêm: ”Thói quen sửa chữa một cách ép buộc và quá sớm làm cho việc viết lách của bạn trở nên khó khăn hơn”.
Bằng cách tự nhiên khi tạo ra từ ngữ, Free writing giúp bạn hình thành nên một nhịp điệu, văn phong của riêng mình…Điều đó sẽ trở thành nguồn mạch chi phối toàn bộ tác phẩm.
Hãy cứ tiếp tục viết, giọng văn của bạn sẽ trở nên ngày càng lôi cuốn hơn!
Thủ thuật…
Dưới đây là một số bí kíp giúp bạn sử dụng Free writing hiệu quả:
Đặt các câu hỏi: Chủ đề này có gì khó? Bạn nhớ gì về chủ đề này?
Có vấn đề gì mà bạn không hiểu không? Bạn cần tìm ra điều gì?
Bạn có thể đưa ra những ví dụ gì?
Sử dụng những chất liệu viết khiến bạn cảm thấy thoải mái như: bút chì, viết trên máy tính hoặc bất cứ thứ gì bạn thích…
Đừng xóa, hãy viết ý tưởng mới bên cạnh những ý tưởng cũ.
Không quan tâm tới chính tả, ngữ pháp; không dùng dấu chấm câu nếu thấy cần. Điều này sẽ khiến bạn viết nhanh và thoải mái hơn.
Kết luận:
Có thể bạn sẽ cho rằng những gì mình viết ra khi sử dụng Free writing thật cẩu thả, ngớ ngẩn và không biết sắp xếp chúng thế nào cho hợp lí. Nhưng đó sẽ là những nguyên liệu đầu tiên cho bài viết của bạn, nó thực sự giúp phác họa ra nhiều ý tưởng hơn và làm cho giọng văn trở nên ngày càng mạch lạc.
2 Comments
Cám ơn thầy ! Thực ra đây là phương pháp mà tôi cũng thường áp dụng. Tôi ghi chép bằng tay và lưu trữ các bản ghi chép khá cẩn thận. Cũng có đôi khi tôi sử dụng ghi chép trên máy tính, hoặc điện thoại. Tuy nhiên, tôi gặp một vấn đề là sau khi ghi chép xong, mặc dù lưu trữ khá cẩn thận nhưng ít khi xem lại các ghi chép đó
ReplyDelete^_^ Thông tin khi được ghi chép lại thường mới chỉ là bản thô. Nếu bạn thực hiện các bước tiếp theo thì các thông tin đó sẽ được đào sâu và ứng dụng tốt hơn.
DeleteBạn có thể tham khảo thêm 1 số bài viết ở dưới:
https://www.systemwriting.com/search/label/System%20writing