Thật khó để diễn đạt trọn vẹn điều này thành văn bản. Một phần vì nó thuộc về khía cạnh kinh nghiệm. Một phần khác, nó phụ thuộc vào khả năng tư duy và độ rộng tri thức của người đọc (nghe). 
Mình sẽ cố gắng trình bày một số ý chính của kỹ năng xác định các từ khóa trong một văn bản (hoặc một đoạn văn nói).

Từ khóa là gì?
- Từ khóa là những từ quan trọng, chứa đựng những ý nghĩa chính của văn bản, giúp làm rõ nội dung (ý tưởng) của văn bản.

- Trong 1 tài liệu (tùy theo tài liệu căn bản hay nâng cao, tùy theo trình độ và mức hiểu biết của người đọc, tùy theo mục đích đọc...), từ khóa chỉ chiếm 5 -> 10% nội dung. Tức là cứ 100 từ, thì sẽ chỉ có 5 -> 10 từ là quan trọng. Điều này mới nghe tưởng chừng rất lạ lùng và phi lý, nhưng khi bạn thực hành System writing 1 thời gian, bạn sẽ nhận ra điều này rất chính xác. 90 -> 95% số từ còn lại chỉ làm nhiệm vụ liên kết, mô tả và làm rõ cho các từ khóa này. Như vậy, khi bạn phát triển tốt kỹ năng xác định từ khóa và kỹ năng lọc thông tin thì tốc độ đọc hiểu của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Do đó, bạn cũng cần ít thời gian hơn để đọc và ghi nhớ thông tin.

- Từ khóa liên quan tới mục đích đọc của bạn. Nói cách khác, mục đích đọc sẽ ảnh hưởng tới việc bạn quyết định xem đâu là từ khóa. 
Ở đây, cần lưu ý là mục đích đọc của bản thân sẽ khác với mục đích của tác giả khi viết (đôi khi có trùng nhau) vì người đọc chỉ cần rút ra những ý quan trọng để áp dụng vào trong công việc và đời sống chứ không gần thu nhận hoặc ghi nhớ hết tất cả các thông tin của tài liệu.

Cách xác định các từ khóa?
- Có mục đích đọc rõ ràng. Hãy sẵn sàng bỏ qua những thông tin không liên quan tới mục đích của bạn.
- Nếu có thể nắm tổng quan về tài liệu trước thì rất tốt (điều này có thể thực hiện bằng phương pháp xem trước/đọc lướt). Khi nghe thông tin, nếu người nói có nêu rõ những chủ điểm họ sẽ đề cập tới trong bài giảng thì bạn có thể bắt được cấu trúc bài nói và các từ khóa ở ngay thời điểm đầu tiên.
- Từ khóa thường lặp lại nhiều lần trong tài liệu và nằm ở những vị trí chủ chốt (tiêu đề, phần đầu của đoạn diễn dịch, phần cuối của đoạn tổng hợp...)
- Thường là danh từ, động từ, tính từ hoặc trạng từ. Trong đó động từ là thành phần quan trọng nhất.
- Chú ý tới dòng ý tưởng của tài liệu. Khi bạn hiểu được tài liệu nói gì, bạn sẽ dễ dàng xác định các từ khóa hơn.
- Nhận biết văn phong của người viết.
- Tập trung trong khi đọc.
- Khi phân biệt được các ý chính và ý phụ, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm ra các từ khóa khi đọc.
...